Khoa sản, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ vừa qua đã tiến hành phẫu thuật kịp thời cứu sống và bảo tồn khả năng sinh sản cho một trường hợp: thai kỳ nhau bong non thể nặng, phong huyết tử cung nhau hay còn gọi là (hội chứng Couvelaire). Có thể nói đây là cuộc đua với thời gian để cứu sống cả mẹ và con với kỹ thuật cao và tinh thần trách nhiệm cao, ekip phẫu thuật đã thành công tách rời mẹ con, mang đến một phép màu cho gia đình.
Sản phụ P.T.D. (31 tuổi) ở TP. Cần Thơ, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đau bụng lâm râm từ đêm qua, đến sáng thấy còn ra huyết đỏ sậm. Các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán và xác định đây là một trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng cả mẹ và con bởi sản phụ D. có các triệu chứng điển hình của nhau bong non: ra huyết đỏ sậm, đau bụng dữ dội, tim thai bất ổn có lúc ghi nhận 90-100 L/phút.
Xác định đây là trường hợp mang thai có biến chứng nhau bong non thể nặng có thể đe dọa tới sản phụ và thai nhi. Ngay lập tức, đội ngũ y bác sĩ chuyên Khoa sản do Bs. CKII. Nguyễn Thị Huệ - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ nhanh chóng tiến hành hội chẩn khẩn cấp các chuyên khoa gồm: BS Trần Thanh Trọng - Gây mê hồi sức chính và BS CKI Phạm Thanh Huy - Phụ trách hồi sức nhi sơ sinh.
Nhau bong non là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như sốc mất máu, rối loạn đông máu, tử cung vỡ, thậm chí tử vong cho cả mẹ và con. Trong trường hợp của sản phụ D., tình hình càng trở nên phức tạp khi tử cung của sản phụ bị nhồi máu tím bầm, đe dọa khả năng bảo tồn tử cung. Ca mổ diễn ra trong tình trạng khẩn cấp, đòi hỏi sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ đội ngũ y bác sĩ.
Với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng, các bác sĩ đã vượt qua mọi khó khăn. Em bé nặng 2.600g đã được đưa ra đời trong tình trạng ngạt trắng. Nhờ sự can thiệp kịp thời của ekip hồi sức nhi sơ sinh, bé đã nhanh chóng cất tiếng khóc chào đời và cải thiện kịp thời hô hấp.
Đối với sản phụ, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp điều trị tích cực để kiểm soát tình trạng xuất huyết, tăng co bóp tử cung và bảo tồn tử cung. Sau một ca mổ kéo dài gần 60 phút, sản phụ đã qua cơn nguy kịch, bảo tồn được tử cung và dần hồi phục.
Đối với trường hợp nhau bong non thể nặng (như trường hợp của sản phụ D.) đa phần thai nhi sẽ tử vong nếu không xử trí kịp thời, mẹ có thể bị cắt tử cung, rối loạn đông máu… rất may mắn sản phụ được cấp cứu và tiến hành phẫu thuật kịp thời và bảo tồn được khả năng sinh sản.
Bs.CKII. Nguyễn Thị Huệ - Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết: Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa, là bệnh lý nặng toàn thân, biến chuyển nhanh chóng làm tử vong mẹ và con. Nguyên nhân là nhau bám đúng chỗ song bị bong trước khi thai được ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau nhau. Khối huyết tụ lớn dần làm bong dần bánh nhau, màng nhau khỏi thành tử cung, cắt đứt sự trao đổi ôxy giữa mẹ và con.
Tỷ lệ gặp trường hợp nhau bong non là 0,6% - 1% và đây cũng là nguyên nhân gây tử vong của 10 - 15% các trường hợp thai chết trong vòng 3 tháng cuối. Nguyên nhân trực tiếp là sự phá vỡ của các mạch máu của niêm mạc tử cung nơi nhau bám.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
Tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật).
Sự căng giãn đột ngột quá mức của tử cung.
Những thương tổn của mạch máu tại bánh nhau, tại vùng nhau bám, xuất hiện trong các bệnh lý: nhau tiền đạo, cao huyết áp, đái tháo đường.
Sự thay đổi thể tích đột ngột của tử cung như trường hợp chọc hút nước ối.
Dây rốn ngắn.
Sang chấn.
Thiếu acide folic, thường gặp ở những sản phụ có mức sống thấp.
Hút thuốc, sử dụng Cocain.
Có tiền sử nhau bong non.
Mẹ lớn tuổi.
Hút thuốc, sử dụng Cocain.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm tình trạng bệnh lý này, Bs. CKII. Nguyễn Thị Huệ - Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ khuyến cáo:
Tại tuyến cơ sở:
Tuyên truyền và tổ chức khám và quản lý thai nghén đúng.
Chuyển lên khám, theo dõi và đẻ tại tuyến trên những trường hợp thai nghén có nguy cơ hoặc có những yếu tố thuận lợi dễ xảy ra nhau bong non...
Tuyến chuyên khoa:
Phòng các biến chứng nặng của nhau bong non.
Chẩn đoán sớm và phân loại đúng các thể lâm sàng nhau bong non để cho xử trí nhanh chóng phù hợp và tích cực ngay từ đầu.
Cần có một bộ phận chuyên sâu về hồi sức tích cực: Gây mê hồi sức, hồi sức nhi sơ sinh với đầy đủ các phương tiện: máy móc, thuốc men, dịch truyền, nguồn máu tươi dự trữ và nhân lực khi cấp cứu...