KHOA LUẬT
1. GIỚI THIỆU
Khoa Luật được thành lập vào năm 2018, trên cơ sở được tách ra từ Khoa Kinh tế - Luật theo Quyết định số 44/QĐ-CTHĐQT-ĐHNCT của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Nam Cần Thơ. Khoa Luật thực hiện chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực pháp luật và thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng. Hiện nay, Khoa Luật được Nhà trường phân công phụ trách đào tạo hai ngành ở bậc đại học bao gồm ngành Luật và ngành Luật Kinh tế, đồng thời đào tạo một ngành ở bậc thạc sĩ đó là Luật Kinh tế. Ngoài ra, Khoa Luật còn phụ trách giảng dạy môn Pháp luật đại cương cho sinh viên của tất cả các chuyên ngành, môn Pháp luật kinh tế cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh; giảng dạy môn Pháp luật du lịch cho sinh viên chuyên ngành Quản trị du lịch, Quản trị nhà hàng và khách sạn.
2. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Chức năng, nhiệm vụ của Khoa Luật được quy định trong Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trường Đại học Nam Cần Thơ và theo sự phân công cụ thể của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, cụ thể bao gồm:
- Thứ nhất, về công tác đào tạo: Khoa Luật xây dựng, cập nhật và chỉnh sửa chương trình đào tạo nhằm bảo đảm chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hằng năm, Khoa phân công giảng viên phụ trách giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo bậc cử nhân và bậc thạc sĩ do Khoa Luật phụ trách. Bên cạnh đó, Khoa còn phụ trách giảng dạy các môn đại cương về pháp luật cho các chuyên ngành đào tạo theo sự phân công của Nhà trường.
- Thứ hai, về nghiên cứu khoa học: Trên cơ sở chỉ tiêu được lãnh đạo Nhà trường phân công và năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên Khoa Luật, hằng năm Khoa Luật đăng ký biên soạn các giáo trình, bài giảng và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, hàng năm Khoa Luật còn đăng ký tổ chức các hội thảo khoa học thuộc lĩnh vực pháp lý và các hội thảo nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và của Nhà trường. Ngoài ra, giảng viên của Khoa còn công bố các bài viết trên các tạp chí khoa học, các kỷ yếu hội thảo trong và ngoài nước.
- Thứ ba, về phục vụ cộng đồng: Hằng năm, giảng viên Khoa Luật cùng với đoàn Khoa Luật tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; vận động các mạnh thường quân trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và hiếu học; Khoa Luật thực hiện tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho những người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu hỗ trợ về pháp lý.
3. NHÂN SỰ
Về cơ cấu tổ chức: Cơ cấu tổ chức của Khoa Luật bao gồm: Hội đồng Khoa; Ban chủ nhiệm Khoa; Bộ môn Luật, Bộ môn Luật Kinh tế; Văn phòng Khoa và Đoàn Khoa Luật.
Sơ đồ cơ cấu tổ chức Khoa Luật
Về đội ngũ nhân sự: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhà trường và Khoa đã xác định con người luôn là yếu tố có vai trò trung tâm, quyết định sự phát triển vững mạnh của Khoa và Nhà trường. Do vậy, vấn đề nhân sự luôn được Nhà trường và Khoa đặc biệt quan tâm. Về đội ngũ cán bộ quản lý, Khoa Luật có 01 Trưởng Khoa, 01 Phó Trưởng khoa, 02 Trưởng Bộ môn và 02 Phó trưởng Bộ môn phụ trách hai Bộ môn. Hiện nay, Khoa Luật có 43 giảng viên cơ hữu, trong đó có 04 PGS.TS, 04 TS, 35 ThS và 01 cử nhân. Bên cạnh đó, Khoa Luật còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng chất lượng đang công tác tại các cơ sở đào tạo luật có uy tín trong khu vực, trong các cơ quan làm công tác thực tiễn pháp luật. Đây là nguồn nhân lực hết sức quan trọng thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Khoa.
Đại diện tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Luật
4. HOẠT ĐỘNG
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của tập thể Khoa, Khoa Luật đã đạt được những thành tựu nổi bật trên tất cả các mặt, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, về công tác đào tạo: Có thể nói, công tác đào tạo của Khoa Luật đã không ngừng được mở rộng về số lượng và nâng cao về chất lượng đào tạo. Cho đến nay, Khoa Luật đã có 05 khóa sinh viên tốt nghiệp, cung cấp gần 1.000 cử nhân Luật và Luật Kinh tế có chất lượng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%. Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật và ngành Luật Kinh tế từ Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã được các Nhà tuyển dụng đánh giá đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, Khoa đã đạt được Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế và đào tạo ngành Luật. Trên cơ sở được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bậc đại học ngành Luật Kinh tế, Khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo bậc thạc sĩ ngành Luật Kinh tế.
- Thứ hai, về nghiên cứu khoa học: Khoa Luật luôn xác định nghiên cứu khoa học pháp lý là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ cho xã hội. Kể từ ngày thành lập Khoa cho đến nay, Khoa Luật đã thực hiện biên soạn được 06 giáo trình và 01 cuốn sách chuyên khảo; tổ chức được 04 Hội thảo khoa học cấp Khoa và cấp Trường; chủ trì 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường. Cho đến nay, giảng viên của Khoa Luật đã công bố 104 bài viết khoa học đăng trên các tạp chí, các kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài nước.
- Thứ ba, các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa học thuật: hoạt động sinh hoạt ngoại khóa học thuật là một trong các hoạt động luôn được Khoa Luật quan tâm nhằm rèn luyện các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong đó, Phiên tòa giả định là một trong các hoạt động được tổ chức thường niên. Thông qua việc được nghiên cứu các hồ sơ vụ án có thật và được chọn lọc, sinh viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án, kỹ năng vận dụng pháp luật, kỹ năng lập luận và tranh luận, kỹ năng diễn thuyết trước công chúng và khả năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, Khoa Luật còn tổ chức các cuộc thi Olympic pháp luật và mời các chuyên gia, những người làm công tác thực tiễn đến Trường để nói chuyện chuyên đề với các sinh viên.
Phiên tòa giả định được tổ chức thường niên
- Thứ tư, thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cộng đồng: bên cạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý thì hoạt động phục vụ cộng đồng luôn được Khoa Luật quan tâm. Trong những năm qua, Khoa Luật luôn hoàn thành tốt công tác coi thi, thanh tra thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia theo sự điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hằng năm, tập thể giảng viên đều có các hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung, ủng hộ người nghèo và đặc biệt là Khoa Luật đã thực hiện nhiều lần ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ, tết Đoàn Khoa Luật đã thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có ý nghĩa như tết vì người nghèo, chương trình trung thu cho em, chương trình tết thiếu nhi để lan tỏa tình thương và giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình tết thiếu nhi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Đoàn Khoa Luật tổ chức
5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và tình hình thực tế của Khoa Luật, định hướng phát triển của Khoa Luật đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý nhằm cung cấp cho xã hội những sinh viên có chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện việc kiểm định chương trình thạc sĩ ngành Luật Kinh tế trên cơ sở đó Khoa sẽ xây dựng chương trình đào tạo, tuyển sinh và tổ chức đào tạo tiến sĩ ngành Luật Kinh tế. Từ đó, đưa Khoa Luật trường Đại học Nam Cần Thơ trở thành một trong những cơ sở đào tạo luật có thương hiệu và uy tín ở khu vực phía Nam và cả nước.
- Thứ hai, trong thời gian tới Khoa Luật sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức làm công tác thực tiễn pháp luật để đưa sinh viên đến thực tập, thực tế trong thời gian đào tạo, từ đó giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo sát với thực tế để sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động.
- Thứ ba, Khoa Luật tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tiếp tục đăng ký biên soạn các giáo trình phù hợp với hoạt động đào tạo của Khoa nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên và sinh viên. Tiếp tục đăng ký thực hiện các đề tài khoa học cấp cơ sở và phấn đấu thực hiện được hai đề tài khoa học cấp thành phố và một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.
- Thứ tư, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên của Khoa. Định hướng đến năm 2030, Khoa Luật có 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Hằng năm, Khoa Luật cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tham dự các hội thảo khoa học do các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu tổ chức, để trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên thuộc Khoa.
- Thứ năm, tiếp tục tổ chức đa dạng các hoạt động sinh hoạt học thuật cho sinh viên. Bên cạnh phiên tòa giả định được tổ chức thường niên, Khoa sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi Olympic pháp luật, các cuộc thi hùng biện về pháp luật và phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ tổ chức các phiên toà giả định để rèn luyện các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
- Thứ sáu, Khoa Luật cùng với Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mời các chuyên gia pháp luật từ các cơ sở đào tạo luật của các nước có uy tín để tham gia giảng dạy, tọa đàm, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với giảng viên và sinh viên.
Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Khoa Luật – Trường Đại học Nam Cần Thơ đã có những bước phát triển vượt bậc và đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và phục vụ cộng đồng. Trong những năm tới, Khoa sẽ tiếp tục có những hoạt động nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đưa Khoa Luật – Trường Đại học Nam Cần Thơ trở thành một trong những cơ sở đào tạo luật có uy tín ở khu vực phía Nam nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.