KHOA KINH TẾ
1. GIỚI THIỆU
Cùng với quá trình phát triển của Trường Đại học Nam Cần Thơ, Khoa Kinh tế với bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ thuộc lĩnh vực kinh tế và quản lý. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh được hình thành trong quá trình thành lập Trường Đại học Nam Cần Thơ. Khi mới hình thành, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh có hai bộ môn là Quản trị kinh doanh và Kế toán – Tài chính – Ngân hàng. Từ năm 2015 đến 2018, lần lượt sáu bộ môn khác được thành lập gồm: Bộ môn Luật kinh tế, Bộ môn Kế toán, Bộ môn Quan hệ công chúng, Bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Bộ môn Quản trị kinh doanh Bất động sản, Bộ môn Tài chính tách ra từ Bộ môn Kế toán – Tài chính. Năm 2018, Bộ môn Luật kinh tế tách ra thành Khoa Luật. Đến năm 2020, Bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tách ra thành Khoa Du lịch và Quản trị khách sạn, nhà hàng. Năm 2022, sau thời gian chia tách các bộ môn thành các Khoa riêng, hiện nay Khoa Kinh tế còn lại năm bộ môn bao gồm: Bộ môn Kế toán, Bộ môn Tài chính – Ngân hàng, Bộ môn Quản trị kinh doanh và Quan hệ công chúng, Bộ môn Quản lý công nghiệp và Quản trị Logistics, Bộ môn Marketing và Kinh doanh quốc tế.
Đến nay Khoa Kinh tế đang đào tạo 11 chương trình đào tạo trình độ đại học, 01 chương trình đào tạo đại học tiên tiến, liên kết đào tạo đại học quản trị kinh doanh với Trường Đại học Khoa học Công Nghệ Malaysia (MUST) và 02 chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Thạc sĩ Quản lý kinh tế. Tất cả các chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn CDIO. Năm 2022 Nhà trường và Khoa Kinh tế đã mở ngành và đào tạo chương trình Tiến sĩ Quản trị kinh doanh.
2. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Về công tác đào tạo và chuyên môn: Khoa Kinh tế thực hiện công tác xây dựng, cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo các ngành học thuộc Khoa quản lý. Phụ trách chuyên môn trong hoạt động đào tạo bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ của trường. Các giảng viên tham gia giảng dạy không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, kết hợp nhiều phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học. Bên cạnh đó, các giảng viên cũng thường xuyên cập nhật, học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn để đảm bảo công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Về đề tài nghiên cứu khoa học: Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế, hàng năm Khoa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh/thành phố,…Ngoài ra, lực lượng cán bộ, giảng viên của Khoa cũng tham gia biên soạn các giáo trình, sách chuyên khảo, tập bài giảng, ngân hàng câu hỏi và đăng bài nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Về công tác kiểm định chất lượng giáo dục: Khoa Kinh tế thực hiện công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo sự phân công của Nhà trường. Ngoài ra, Khoa cũng phối hợp với các đơn vị chuyên trách trong công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học; đánh giá theo hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng UPM.
Về công tác phục vụ cộng đồng: Trong mỗi năm học Khoa Kinh tế phối hợp với Đoàn khoa, Đoàn trường trong các hoạt động thiện nguyện như: thăm và tặng quà cho những người già neo đơn, các trẻ em mồ côi, tặng quà trung thu cho các em nhỏ,…; vận động các mạnh thường quân quyên góp trong các hoạt động thiện nguyện của Khoa và Nhà trường.
3. NHÂN SỰ
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, hiện nay cơ cấu tổ chức của Khoa Kinh tế - Trường Đại học Nam Cần Thơ bao gồm: Ban chủ nhiệm Khoa, Hội đồng Khoa, Bộ môn Quản trị kinh doanh và Quan hệ công chúng, Bộ môn Tài chính Ngân hàng, Bộ môn Kế toán, Bộ môn Quản lý công nghiệp và Quản trị Logistics, Bộ môn Marketing và Kinh doanh quốc tế.
Sơ đồ cơ cấu tổ chức của Khoa Kinh tế
Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Khoa Kinh tế hiện nay có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó có các Phó giáo sư, Tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao đảm bảo cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tham gia giảng dạy tại Khoa còn có đội ngũ các giảng viên thỉnh giảng đến từ các trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, cơ quan, ngân hàng tham gia giảng dạy và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho người học.
Hình ảnh đại diện tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế
4. HOẠT ĐỘNG
Trong quá trình hình thành và phát triển, được sự chỉ đạo của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu cùng với sự nỗ lực của tập thể, Khoa Kinh tế đã thực hiện nhiều hoạt động và đạt được những thành tựu nổi bật như sau:
Về công tác đào tạo: Qua 10 năm hình thành và phát triển, Khoa Kinh tế đã cung cấp cho xã hội khoảng 3.200 cử nhân kinh tế, 60 thạc sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa Kinh tế đã và đang đào tạo được 04 khóa thạc sĩ Quản trị kinh doanh (từ khóa 2018-2021), trong đó khóa 2018 đã tốt nghiệp, khóa 2019 đã ra hội đồng bảo vệ luận văn và chờ xét công nhận tốt nghiệp. Hiện nay, trên 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định, các thạc sĩ được đào tạo tại Khoa phần lớn giữ các trọng trách trong các cơ quan giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan công quyền và các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh và thạc sĩ quản trị kinh doanh đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, Khoa Kinh tế kết hợp với Phòng Quản lý đào tạo xây dựng chương trình đào tạo và mở mới các ngành học theo yêu cầu của Nhà trường như: Xây dựng chương trình ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ngành Marketing, ngành Thương mại điện tử, ngành Quản lý công nghiệp,… và thiết kế, xây dựng chương trình tiên tiến của ngành Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, Khoa Kinh tế cũng xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Quản trị kinh doanh theo nhu cầu của Nhà trường
Về nghiên cứu khoa học: Thống kê số lượng đề tài nghiên cứu khoa học các cấp trong giai đoạn 2015-2022: 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 8 đề tài cấp trường. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên Khoa Kinh tế làm chủ nhiệm hoặc tham gia và đã nghiệm thu là 15 đề tài (cấp Cơ sở, cấp Tỉnh). Hàng năm, các giảng viên của Khoa có bài báo trên các tập san Khoa học uy tín trong và ngoài nước. Nhiều sách và giáo trình do giảng viên của Khoa biên soạn đã được xuất bản, trong đó một số giáo trình đã được tái bản nhiều lần phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Về công tác kiểm định chất lượng: Khoa Kinh tế cũng được Nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo và quản lý chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Năm 2019, Khoa Kinh tế hoàn thành kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh trình độ đại học; cuối năm 2021, Khoa Kinh tế cũng đã hoàn thành xong công tác kiểm định chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh trình độ thạc sĩ. Ngoài ra, Khoa Kinh tế phối hợp với các đơn vị chuyên trách hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục năm 2017; kiểm định giữa chu kỳ năm 2020 và chuẩn bị công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục vào cuối năm 2022.
5. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thành tựu Khoa Kinh tế đã đạt được, định hướng phát triển của Khoa Kinh tế đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Khoa đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực chuyên môn hoá cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuyển chọn và đào tạo lực lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao, học tập tại các cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới.
Thứ hai, tiếp tục củng cố và phát triển các ngành học thuộc sự quản lý của Khoa để giữ vững vai trò đầu ngành trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng khung chương trình học mang tính ứng dụng cao, trang bị cho sinh viên tư tưởng chính trị vững vàng, kiến thức đa dạng và chuyên sâu từ đó giúp sinh viên phát triển tư duy của bản thân và có thể hoà nhập tốt vào môi trường doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học đối với đội ngũ giảng viên và cả sinh viên, học viên đang theo học tại Trường. Các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, gắn học với hành, nhà trường với xã hội.
Thứ tư, thiết lập các quan hệ hợp tác trong vùng để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Gắn chặt các hoạt động nghiên cứu khoa học về các ngành có liên quan nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Liên kết với các tổ chức bên ngoài, các trường Đại học có uy tín trên thế giới để tiếp thu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Khoa Kinh tế là môi trường lý tưởng để tập thể cán bộ, giảng viên và nhân viên thể hiện chuyên môn nghiệp vụ, giúp đỡ và dìu dắt các thế hệ sinh viên thực hiện mơ ước của mình. Tập thể Khoa Kinh tế luôn quan tâm, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống; nơi đây như mái nhà thứ hai, là mái ấm gia đình, mọi người xem nhau như anh chị em thân thiết. Lãnh đạo Nhà trường luôn quan tâm, giúp đỡ cho các cán bộ, giảng viên và nhân viên. Vì thế, tập thể quý thầy/cô bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của Nhà trường, từng bước đạt được mục tiêu, tầm nhìn và sứ mạng Nhà trường đã đề ra.