1. Giới thiệu
Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin chính là “chìa khóa” cho sự thay đổi, đóng góp vào sự lớn mạnh của đất nước trong nhiều lĩnh vực. Đứng trước cơ hội phát triển đó, Trường Đại học Nam Cần Thơ (ĐHNCT) đã bắt kịp xu hướng, và đã đào tạo ngành Công nghệ thông tin bắt đầu từ năm 2016 (theo Quyết định số 983/QĐ-BGDĐT ngày 30/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và thuộc Khoa Kỹ thuật - Công nghệ quản lý.
Đến năm 2022, Khoa Công nghệ Thông tin được thành lập theo Quyết định số 02/QĐ-CTHĐT-ĐHNCT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch Hội đồng Trường, trên cơ sở tách ra từ Khoa Kỹ thuật - Công nghệ.
Khoa Công nghệ Thông tin tuy chỉ mới được thành lập nhưng đã đóng góp rất tích cực vào sự nghiệp 10 năm phát triển chung của nhà trường và đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào.
2. Chức năng, nhiệm vụ
Khoa Công nghệ Thông tin là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin.
Về nhiệm vụ đào tạo, Khoa CNTT quản lý 04 ngành đào tạo bậc đại học: Công nghệ Thông tin; Kỹ thuật Phần mềm; Khoa học Máy tính; Mạng máy tính và Truyền thông Dữ liệu và 01 ngành đào tạo bậc sau đại học: Thạc sĩ Công nghệ Thông tin. Ngoài ra, Khoa còn giảng dạy môn Tin học căn bản và Tin học chuẩn đầu ra cho sinh viên đang theo học tại Trường.
Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Khoa CNTT thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng về CNTT phục vụ cho việc giảng dạy và nhu cầu phát triển của xã hội.
3. Cơ cấu tổ chức và nhân sự
Về cơ cấu tổ chức, Khoa CNTT có 3 bộ môn và văn phòng khoa. Ngoài ra còn có Hội đồng Khoa và Câu lạc bộ CNTT. Hội đồng khoa có nhiệm vụ tư vấn cho Ban chủ nhiệm khoa về các công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Câu lạc bộ CNTT là tổ chức tập hợp sinh viên của Khoa và các sinh viên đam mê CNTT của các ngành khác, là sân chơi bổ ích cho sinh viên phát huy sáng tạo và học hỏi bổ sung kiến thức kỹ năng ngoài chương trình đào tạo. Về nhân sự, hiện nay Khoa có đội ngũ giảng viên cơ hữu tương đối đủ để đảm nhiệm giảng dạy các học phần chủ yếu của các chương trình đào tạo. Ngoài ra Khoa có một đội ngũ đông đảo các giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học có uy tín trong khu vực.
4. Thành quả hoạt động đáng tự hào
Dưới sự quản lý của Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, từ năm 2016 đến năm 2022, đã có 7 khóa sinh viên ngành CNTT được tuyển sinh. Đến năm 2021, Trường đã mở thêm các ngành đào tạo Kỹ thuật Phần mềm và Khoa học Máy tính và năm 2022 tuyển sinh thêm ngành Mạng máy tính và Truyền thông Dữ liệu và thạc sĩ ngành CNTT. Như vậy tính đến nay đã có 7 khóa đào tạo các ngành với khoảng 1.900 sinh viên, trong đó có khoảng 400 sinh viên đã tốt nghiệp các năm 2020, 2021 và 2022. Ngoài ra các thầy cô Khoa CNTT còn tham gia giảng dạy tin học căn bản cho sinh viên toàn trường, tham gia giảng dạy các lớp chuẩn CNTT cho Trung tâm Chuẩn đầu ra và Phát triển Nguồn nhân lực. Với sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ giảng viên, Khoa CNTT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thành tích nổi bật trong công tác đào tạo năm 2021 của các thầy cô Khoa CNTT là đã hoàn thành công tác tự đánh giá và được kiểm định, đạt chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo đối với chương trình đào tạo ngành CNTT.
Ngoài công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng được các thầy cô quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định như: có 02 đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở và 03 giáo trình đã được nghiệm thu, 33 bài báo được đăng trong các tạ p chí, trong đó có 5 bài đăng tạp chí nước ngoài với 02 bài đạt Q4. Ngoài ra sinh viên của Khoa cũng tham gia NCKH và có những sản phẩm được mang ra giới thiệu trong các kỳ tư vấn tuyển sinh như hệ thống nhận dạng khuôn mặt, hệ thống tưới cây tự động,…
Thẩm định sách/giáo trình – Khoa Công nghệ thông tin
5. Định hướng phát triển: Con đường phía trước
Là một khoa mới được thành lập trong một chặng đường 10 năm thành lập và phát triển của Trường Đại học Nam Cần Thơ nên có nhiều thuận lợi và cũng không ít thách thức.
Về thuận lợi, Khoa được sự quan tâm của Hội đồng trường và Ban giám hiệu Nhà trường. Trường đã đầu tư xây dựng tòa nhà 6 tầng dành cho hoạt động của Khoa và Trung tâm Phát triển và Ứng dụng phần mềm DNC, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động tháng 7-2023. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường lao động ngành CNTT cả trong và ngoài nước rất lớn, mở ra cơ hội tuyển sinh thuận lợi cho các ngành do Khoa quản lý.
Thách thức lớn nhất hiện nay của Khoa là đội ngũ cán bộ còn mỏng trong khi phải đảm đương nhiệm vụ đào tạo rất lớn, bao gồm cả đào tạo đại học và sau đại học.
Trong thời gian tới, khoa CNTT tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, trong đó có đào tạo thạc sĩ ngành CNTT. Nghiên cứu mở thêm các ngành đào tạo mới ở cả bậc đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hai là, lập kế hoạch kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Phần mềm khi có đủ điều kiện và thực hiện hậu kiểm, cải tiến chương trình đào tạo ngành CNTT.
Ba là, Khoa sẽ tham gia tích cực vào công tác NCKH, định hướng các đề tài nghiên cứu ứng dụng, phục vụ cho sự phát triển của Nhà trường và của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tập trung các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ 4.0 như IoT, Big Data, trí tuệ nhân tạo, …
Bốn là, phát triển lực lượng giảng viên cơ hữu cả về số lượng và chất lượng, kết hợp với công tác xây dựng đội ngũ giảng viên mời giảng ổn định, đa dạng về nguồn và có trình độ cao trên cơ sở hợp tác với các viện trường trong cả nước.
Năm là, kiện toàn, phát triển các bộ môn vững mạnh, đủ sức quản lý các chương trình đào tạo theo đúng chuyên ngành.
Sáu là, phát huy tốt vai trò của Câu lạc bộ CNTT, tổ chức các sinh hoạt chuyên đề, seminar, ngoại khóa nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, đồng thời là sân chơi cho sinh viên phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ.
Bảy là, tìm kiếm các đối tác nước ngoài thực hiện liên kết đào tạo và hợp tác NCKH.
Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Phát triển và Ứng dụng Phần mềm DNC
Trong một ngôi trường được xây dựng theo mô hình doanh nghiệp trong trường học như ĐHNCT, khoa CNTT sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển và Ứng dụng Phần mềm DNC (TTPT&ƯDPM DNC) để cùng phát triển, cụ thể như sau:
Một là, TTPT&ƯDPM DNC nhận sinh viên, học viên của khoa CNTT thực tập tốt nghiệp.
Hai là, các đề tài NCKH của khoa CNTT sẽ được TTPT&ƯDPM DNC chọn lọc để thương mại hóa.
Ba là, hai bên trao đổi cán bộ cho nhau, cụ thể là khoa CNTT sẽ mời giảng các cán bộ có trình độ cao của TTPT&ƯDPM DNC, ngược lại TTPT&ƯDPM DNC mời các giảng viên của khoa CNTT tham gia các dự án của Trung tâm.
Kết luận
Trường Đại học Nam Cần Thơ mới có 10 năm xây dựng và phát triển nhưng đã gây được ấn tượng tốt trong xã hội và cộng đồng đại học Việt Nam về thành tích đào tạo và NCKH. Trong thành tích chung của Trường có một phần đóng góp của đội ngũ giảng viên Khoa CNTT. Với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo Nhà trường và sự nỗ lực của thầy trò Khoa CNTT, trong một tương lai không xa, khoa CNTT sẽ trở thành một địa chỉ đào tạo và NCKH đáng tin cậy, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trường Đại học Nam Cần Thơ, 2021, Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Khoa Công nghệ Thông tin, Email: khoacntt@nctu.edu.vn