NGUYÊN TẮC VÀ CÁC BƯỚC CHỌN NGÀNH NGHỀ PHÙ HỢP
Lựa chọn nghề nghiệp đồng nghĩa với việc lựa chọn tương lai. Do đó, việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: Làm thế nào chọn được một nghề phù hợp? Chính những nghĩ suy và trăn trở rằng tôi có phù hợp nghề này hay không, tôi có thực sự yêu thích nghề này hay không, nghề này có tương lai hay không… là những vấn đề cần được giải quyết khi bắt đầu quá trình chọn một nghề phù hợp.
Trước nhất, cần phải vượt qua sự tác động của những tư tưởng và quan điểm chưa thực sự đúng đắn và hợp lý khi chọn nghề:
1) Chọn nghề theo sự áp đặt của người khác (ông bà, cha mẹ,…)
2) Chọn nghề theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu.
3) Chọn nghề may rủi.
4) Chọn nghề chỉ ở bậc Đại học.
5) Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”.
6) Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền.
7) Chọn nghề “gấp rút” mà không có sự kiên nhẫn.
8) Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học, đầu ra của nghề, tuổi thọ của nghề, …
Thứ đến, muốn chọn nghề phù hợp thực sự, cần phải chú ý thực hiện thật tốt các khâu trong quá trình hướng nghiệp. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn: 5 nguyên tắc - 3 câu hỏi - 4 bước cho việc lựa chọn ngành, chọn trường phù hợp.
5 Nguyên tắc khoa học trong chọn ngành, chọn nghề:
Nguyên tắc 1: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân.
Nguyên tắc 2: Chỉ nên chọn nghề mà bản thân có đủ điều kiện đáp ứng:
- Năng lực đáp ứng được các yêu cầu của nghề nghiệp.
- Tính cách phù hợp với tính chất của lao động của nghề nghiệp.
- Sức khoẻ phù hợp, đảm bảo với cường độ và tính chất lao động.
- Điều kiện, hoàn cảnh gia đình đáp ứng được chi phí đào tạo, nuôi dưỡng nghề….
Nguyên tắc 3: Chỉ chọn ngành, chọn nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ về ngành/nghề.
Nguyên tắc 4: Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu.
Nguyên tắc 5: Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
3 câu hỏi cần đặt ra khi lựa chọn ngành, nghề:
1) Tôi thích ngành gì, nghề gì? ≫ khi bạn có đam mê, hứng thú với công việc, bạn sẽ theo đuổi, vượt qua khó khăn và thành công với nó.
2) Tôi làm được nghề gì? ≫ thích thôi chưa đủ, bạn thích nhưng thiếu năng lực, tính cách, thể chất… không cho phép bạn làm nghề đó thì cũng không thể làm được nghề đó.
3) Tôi cần làm nghề gì? ≫ thích và có năng lực nhưng lựa chọn nghề xã hội không còn nhu cầu nhân lực thì cũng khiến cho người chọn gặp khó khăn về đầu ra.
Tổng hợp cả 3 câu hỏi này, học sinh sẽ có được ngành, nghề tối ưu nhất cho bản thân.
4 bước để lựa chọn ngành, chọn trường:
Bước 1: Liệt kê các ngành nghề bản thân yêu thích (trả lời câu hỏi “tôi thích ngành nghề gì?”)
Hãy lập danh sách ngành nghề biết và yêu thích theo thứ tự ưu tiên, mỗi ngành nghề cũng cần xác định các yếu tố: công việc, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, tính chất công việc, uy tín xã hội.
Bước 2: Tìm hiểu ngành nghề.
Từ các ngành nghề đã liệt kê theo sở thích, hứng thú hãy tìm hiểu về các nghề đó, các yêu cầu của từng ngành nghề: đầu vào, đầu ra của ngành; năng lực, tính cách, điều kiện lao động, nhu cầu xã hội. Từ đó tìm ra các điểm chung của ngành nghề và khả năng của bản thân.
Bước 3: Chọn nghề
Dựa trên danh sách đã được liệt kê hãy xác định ngành, nghề phù hợp với bản thân theo các yếu tố:
1) Ngành, nghề bản thân yêu thích:
- Nội dung công việc
- Điều kiện lao động
- Giá trị và ý nghĩa đối với bản thân
- Các cơ hội phát triển
2) Ngành nghề bản thân có năng lực đáp ứng
- Sức khoẻ, tính cách
- Năng lực học tập, năng lực làm việc
- Điều kiện gia đình.
Bước 4: Lựa chọn trường/ hệ đào tạo
Dựa trên ngành nghề đã lựa chọn xem ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào và có những nơi nào đào tạo ngành nghề đó. Hiện nay hầu hết các ngành nghề đều được đào tạo từ sơ cấp tới cao đẳng, đại học do đó trước khi lựa chọn trường cần xác định hệ đào tạo phù hợp với bản thân: học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học. Sau khi xác định hệ đào tạo thì sẽ xác định lựa chọn trường đào tạo.
Lập danh sách các trường đào tạo theo hệ đã lựa chọn: Công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu, uy tín, địa điểm, học phí, khối xét tuyển…