TRƯỜNG ĐẠI HỌC NAM CẦN THƠ
KHOA GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG – AN NINH
1. Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh với tiền thân là Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Với vai trò là một cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ cả về quy mô và chất lượng đào tạo, bên cạnh sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nhà trường còn là một cơ sở trong hoạt động phổ biến kiến thức về nền giáo dục quốc phòng và an ninh đến toàn thể các đối tượng theo học.
Ngay từ những ngày đầu được thành lập và phát triển, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, kiến thức giáo dục quốc phòng và an ninh cho người học nhằm cung cấp nguồn nhân lực không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn hồng về đạo đức, tư tưởng và lối sống, sinh viên là công dân cần có tấm lòng yêu nước nồng nàn, trung thành với Tổ Quốc.
Với việc ban hành quyết định số 13/QĐ-CTHĐT-ĐHNCT ngày 16/8/2014 về việc thành lập “Trung Tâm Giáo Dục Quốc Phòng và An Ninh thuộc Trường đại học Nam Cần Thơ” là bước tiến hiện thực công tác giáo dục, rèn luyện sinh viên chính quy và chủ động xây dựng đề án tự chủ trong giảng dạy và huấn luyện nội dung môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường.
TT GDQPAN là đơn vị chuyên trách trong tham mưu đầu tư kinh phí để mua sắm hệ thống các trang thiết bị phục vụ giảng dạy nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh bao gồm các thiết bị vũ khí chuyên dùng, trang bị cho các phòng học chuyên đề, thiết lập khu ký túc xá tập trung, thiết kế và xây dựng thao trường, bãi tập kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật tiến công, phòng thủ. Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự chủ tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh và cấp chứng chỉ cho sinh viên của Trường theo văn bản số 5210/BGDĐT-GDQPAN ngày 23/9/2014.
Thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến cơ sở lý luận của Đảng về chủ trương, đường lối chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, có kế thừa và phát triển truyền thống quân sự độc đáo của dân tộc, trường đại học Nam Cần Thơ tiếp tục được BGD tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy, đánh giá kết quả môn học và cấp chứng chỉ GDQPAN cho sinh viên trường đại học Tây Đô từ năm học 2017-2018 bằng công văn số 196/BGDĐT-GDQP ngày 20/01/2017.
Căn cứ vào quy chế tổ chức và hoạt động Nhà trường, các hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch Hội đồng Trường đã ban hành quyết định số 66/QĐ-CTHĐT-ĐHNCT về việc thành lập Khoa GDQPAN thuộc Trường ĐH NCT ngày 01/7/2022. Quyết định số 66 này thay thế quyết định số 13 và từ nay Khoa GDQPAN kế thừa toàn bộ chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm GDQPAN trước đây.
Bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng GDQPANTW về việc rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy và giao tự chủ có thời hạn, Vụ GDQPAN-BGD và Cục Dân Quân – Bộ Tổng tham mưu (Cơ quan thường trực của HĐGDQPANTW) đã tiến hành phiên thẩm định các điều kiện tự chủ giảng dạy (cơ sở vật chất, nơi nghỉ ở và ăn uống tập trung, đội ngũ giảng viên, giáo trình và tài liệu hướng dẫn rèn luyện) và có kết luận “Trường đại học Nam Cần Thơ đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường bãi tập, nhà ăn ở tập trung để tự chủ giảng dạy môn học GDQPAN cho sinh viên của Nhà trường theo nề nếp, môi trường quân sự; KTX đáp ứng quy mô 500 sinh viên/đợt”. Ngày 19/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận cho Nhà trường là đơn vị chủ quản trong giảng dạy, đánh giá và cấp chứng chỉ GDQPAN có thời hạn 5 năm kể từ tháng 8 năm 2022 bằng văn bản số 3978/BGDĐT-GDQPAN.
(hình ảnh các buổi làm việc của đoàn thẩm định)
2. Tổ chức và trang thiết bị Khoa GDQPAN
Khoa GDQPAN thuộc trường đại học Nam Cần Thơ có cơ cấu tổ chức gồm 02 cấp. Ban chủ nhiệm Khoa và các Tổ chuyên trách.
Ban chủ nhiệm Khoa: Trưởng khoa và 02 Phó trưởng khoa.
Tổ chuyên trách: Tổ bộ môn Đường lối Quốc phòng; Tổ bộ môn Công tác An ninh; Tổ bộ môn Quân sự chung; Tổ Hành chính – Hậu cần.
Trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Nam Cần Thơ
TT | Tên, Đặc điểm, ký hiệu tài sản | Số lượng | Nước sản xuất |
1 | Trang phục nam nữ (dùng chung 2 mùa) | 1500 | VN |
2 | Mũ cứng | 754 | VN |
3 | Mũ mềm | 700 | VN |
4 | Giầy vải | 600 | VN |
5 | Tất sợi | 600 | VN |
6 | Thắt lưng | 600 | VN |
7 | Sao mũ cứng GDQP - AN | 300 | VN |
8 | Sao mũ mềm GDQP - AN | 300 | VN |
9 | Súng tiểu liên AK 47 hoán cải cấp 5 | 150 | VN |
10 | Mô hình đạn F1 luyện tập | 10 | VN |
12 | Mô hình súng tiểu liên AK 47 cắt bổ | 10 | VN |
13 | Mô hình súng trường CKC cắt bổ | 10 | VN |
14 | Mô hình súng B40 cắt bổ | 10 | VN |
15 | Mô hình súng B41 cắt bổ | 10 | VN |
16 | Mô hình đạn B40 cắt bổ | 10 | VN |
17 | Mô hình đạn B41 cắt bổ | 10 | VN |
18 | Mô hình lựu đạn F1 cắt bổ | 10 | VN |
19 | Thiết bị theo dõi đường ngắm RDS-07 | 3 | VN |
20 | Giá đặt bia (bộ bia) | 10 | VN |
21 | Mô hình đường đạn | 10 | VN |
22 | Kính kiểm tra đường ngắm AK | 10 | VN |
23 | Đồng tiền di động | 10 | VN |
24 | Hộp công cụ KTBB | 5 | VN |
25 | Thiết bị tạo giả 7 âm thanh | 3 | VN |
26 | Cáng cứu thương | 2 | VN |
27 | Giá đặt súng | 2 | VN |
28 | Bàn thao tác | 5 | VN |
29 | Mô hình mìn K58 (tập) | 5 | VN |
30 | Mô hình mìn K58 (cắt bổ) | 5 | VN |
31 | Mô hình mìn 652A (tập) | 5 | VN |
32 | Mô hình mìn 652A (cắt bổ) | 5 | VN |
33 | Mô hình mìn K69 (tập) | 5 | VN |
34 | Mô hình mìn K69 (cắt bổ) | 5 | VN |
35 | Mô hình mìn M16A2 (tập) | 5 | VN |
36 | Mô hình mìn M16A2 (cắt bổ) | 5 | VN |
37 | Mô hình mìn OZM-72 (tập) | 5 | VN |
38 | Mô hình mìn OZM-72 (cắt bổ) | 5 | VN |
39 | Mô hình mìn MB-01 (tập) | 5 | VN |
40 | Mô hình mìn MB-01 (cắt bổ) | 5 | VN |
41 | Mô hình mìn POMZ 2 (tập) | 5 | VN |
42 | Mô hình mìn POMZ 2 (cắt bổ) | 5 | VN |
43 | Máy bắn tập MBT-03 model SH2/GDQP/CD: 2 bệ tập, đã có 2 khẩu súng TL AK tập, đồng bộ máy tính | 1 | VN |
44 | Màn tuyn | 1000 | VN |
45 | Vỏ chăn | 1200 | VN |
46 | Ba lô | 1000 | VN |
Hệ thống ký túc xá khép kín với dung lượng 1500 sinh viên cùng nghỉ ở, có phân tách khu nam và nữ riêng biệt, trang bị đầy đủ giường tầng, chiếu, gối, màn ngủ để thực hiện việc nghỉ ở tập trung trong thời gian học tập môn GDQPAN.
Khu nhà ăn tách biệt với nơi ở, thuận lợi trong di chuyển và đáp ứng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thông thoáng khi phục vụ cùng lúc 500 đến 800 suất ăn.
(hình ảnh bên trong ký túc xá với các bảng-biểu điều lệnh)
Bãi tập kỹ thuật và chiến thuật chiến đấu bộ binh trong tấn công và phòng ngự ngay trong khuôn viên Nhà trường, có giao thông hào, có cây xanh và mô đất tạo địa hình giả định phù hợp yêu cầu các bài tập rèn luyện. Có sử dụng 04 sân bóng đá mini với tổng diện tích 2800m2, bố trí bao cát và bia tập bắn phục vụ tập luyện kỹ thuật chiến đấu cá nhân.
(hình ảnh thực tế công sự tiến công – phòng ngự; các mô hình)
Sân tập điều lệnh là các đường nội bộ có chiều dài 2km, tráng nhựa, có kẻ vạch hướng dẫn, sân chào cờ và sinh hoạt chung có diện tích 1000m2 được lót gạch nền cứng chắc.
Thư viện là nơi đáp ứng hơn 500 sinh viên truy cập thông tin internet và tra cứu, đọc tại chỗ cùng lúc. Các tài liệu, giáo trình học tập, rèn luyện môn GDQPAN được cung cấp không hạn mức.
(hình ảnh thư viện hoạt động)
3. Hoạt động của Khoa GDQPAN
Quán triệt thực hiện công tác đảm bảo về tổ chức ăn, ở tập trung để rèn luyện cho sinh viên theo nếp sống quân đội, môi trường quân sự nhằm nâng cao chất lượng môn học GDQPAN đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, Nhà trường đã ban hành các bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện chế độ sinh hoạt trong ngày, phân phối thời gian trong tuần, trực ban-trực nhật, báo động rèn luyện, tuần tra-canh gác,..
Lập kế hoạch triển khai chương trình GDQPAN ban hành kèm theo thông tư 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 trong toàn bộ cán bộ, giảng viên và cán bộ hướng dẫn thực hành của Khoa theo các tuần trong năm học. Cập nhật kiến thức và kỹ năng được phổ biến trong các Hội nghị tập huấn giảng viên GDQPAN của Vụ GDQPAN-BGDĐT vào các bài giảng, bài huấn luyện, các tình huống giả định.
Phổ biến giáo trình GDQPAN của BGDĐT và các câu hỏi thu hoạch đến toàn bộ sinh viên theo học môn GDQPAN.
Tổ chức cho sinh viên tham quan, học tập thực tế tại bảo tàng lịch sử quân sự Quân khu 9 và Đền thờ các Vua Hùng tại Cần Thơ.
(hình ảnh chỉ dẫn địa điểm đến bảo tàng và đền thờ)
4. Hệ thống văn bản pháp quy:
- Luật Giáo dục Đại học ngày 18/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ngày 19/11/2018 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học;
- Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 05/11/2015 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học;
- Thông tư 01/2018/TT-BGDĐT ngày 26/1/2018 của Bộ trưởng BGDĐT về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn GDQPAN trong các trường và cơ sở giáo dục đại học.
- Thông tư 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng BGDĐT về việc ban hành chương trình GDQPAN trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
- Văn bản số 3978/BGDĐT-GDQP ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đồng ý để Trường Đại học Nam Cần Thơ là đơn vị chủ quản, tiến hành tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh và cấp chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng và An ninh cho sinh viên của Trường từ tháng 8 năm 2022;
- Hướng dẫn số 4471/BGDĐT-GDQPAN ngày 13/9/2022 của Bộ trưởng BGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDQPAN năm học 2022-2023.