Sự Khiêm Tốn Của Hồ Chí Minh
Bên cạnh phong cách giản dị, Hồ Chí Minh còn có một đặc điểm rất nổi bật đó là sự khiêm tốn, khiêm nhường. Đây là những đức tính cao quý nhất của Hồ Chí Minh mà chúng ta hiện nay đang học tập và noi gương theo.
Sự khiêm tốn của Bác Hồ được tích lũy và rèn rũa trong suốt cuộc đời cách mạng, có nhiều câu chuyện, khoảnh khắc kể về Bác, về đức tính khiêm tốn và giản dị, ở những câu chuyện ấy đều để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và quý báu. Bác không nhận mình là nhà thơ chuyên nghiệp mà chỉ nhận mình có tấm lòng yêu thơ, trong khi Bác có nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng được ghi nhận; Tổ quốc tôn vinh Bác là công dân số một và quyết định trao tặng Huân chương cao quý nhất của nước ta là Huân chương Sao Vàng nhưng Bác không nhận vì Bác cảm thấy chưa xứng đáng, vì lúc bấy giờ miền Nam chưa giải phóng thì Bác chưa hoàn thành nhiệm vụ. Bác nghĩ, Bác đi đến nơi và chưa về đến chốn nên hoãn việc trao tặng đó lại, Bác muốn trao tặng Huân chương đó cho một người, đó là bác Tôn Đức Thắng (vì bác Tôn ở An Giang, nơi đại diện cho cả miền Nam, thành đồng của Tổ quốc). Vậy là lúc Bác đi xa, trên ngực không một tấm huân chương nào.
Khi Bác thăm Indonesia, ở đây Tổng thống Indonesia ngưỡng mộ Bác và tặng Bác bằng Tiến sĩ Danh dự, đồng thời mời Bác nói chuyện với các giáo sư, tiến sỹ và sinh viên một trường đại học lớn ở thủ đô của Indonesia. Ở đây, Bác có bài phát biểu vô cùng giản dị và khiêm nhường: Tôi không có may mắn được học hành đầy đủ như các bạn, tôi chỉ tự học, cuộc sống là người thầy vĩ đại của tôi, thực tiễn đem lại cho những tri thức về xã hội và nhân văn. Bài phát biểu của Bác được cả hội trường chăm chú lắng nghe và ấn tượng sâu sắc.
Bác dặn chúng ta suốt đời phải học tập để nâng cao hiểu biết của mình, từ đó mới làm tốt việc được giao, hoàn thành nhiệm vụ với Đảng với nhân dân.
Ngay trong ứng xử hằng ngày, chúng ta thấy Bác là người khiêm tốn và giản dị, Bác luôn gắn mình với thiên nhiên, đi bộ trên đường phố, trò chuyện với vợ chồng Thủ tướng khi sang thăm Ba Lan, gặp các cháu thiếu nhi Bác đều chia kẹo cho các cháu. Sự khiêm tốn của Bác bắt nguồn từ trách nhiệm, cũng lần Bác thăm Ba Lan, khi họ tiễn Bác đi từ phòng khách xuống tầng một, Bác thấy đèn điện sáng trưng, liền hỏi - đồng chí Vụ lễ tân của Bộ ngoại giao đâu? Đồng chí Bộ trưởng thưa Bác – đồng chí đó đã ra sân bay trước để chuẩn bị tiễn Bác, có gì Bác cứ chỉ bảo. Bác hỏi đồng chí Bộ trưởng, chỗ tắt điện ở đâu? Vì Bác thấy đèn sáng quá trong khi trời đã sáng rồi. Nghe câu chuyện, Chủ tịch Ba Lan đã nói, hôm nay, chúng tôi được học Bác một bài học vô cùng sâu sắc và thấm thía về tiết kiệm và trách nhiệm.
Sự khiêm nhường của Bác còn được thể hiện ở Bác không bao giờ coi mình là lãnh tụ, là lãnh đạo mà chỉ cho mình là người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào để phục vụ nhân dân. Chúng ta thấy Bác là một lãnh tụ vĩ đại, nhưng Bác lại rất xa lạ tư tưởng lãnh tụ. Trong kiểm điểm tự phê bình, Bác nói, chúng ta cần phải tự phê bình thường xuyên, hằng ngày như rửa mặt vậy thì con người mới trở nên hoàn thiện được.
Liên hệ hiện nay, sự khiếm tốn và giản dị đã có sự chệch choạc ở một số ít lãnh đạo, theo quan điểm Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chúng ta học Bác phải linh hoạt và sáng tạo, không máy móc. Bác tiết kiệm đến mức khắc khổ, đây là chủ ý của Bác để làm gương trước dân. Còn bây giờ, đời sống tinh thần và vật chất được nâng cao nhưng chúng ta cần phải học Bác ở ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu; vấn đề thụ hưởng, Bác dạy chúng ta trong bài Đạo làm tướng: Ở mặt trận, chiến sỹ chưa được ăn, chỉ huy không được kêu mình đói; chiến sỹ chưa được nghỉ, chỉ huy không được kêu mình mệt; chiến sỹ còn gian nan vất vả, chỉ huy không được kêu mình thiệt thòi. Hễ dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; dân còn đau ốm, bệnh tật Đảng và Chính phủ vẫn có lỗi… Chính vì vậy, các đồng chí lãnh đạo bây giờ phải học Bác ở tính trách nhiệm và đức hy sinh; đẩy lùi tình trạng sống xa hoa, lãng phí và cá nhân của mình; nâng cao trách nhiệm với nhân dân.
Nguồn: tinhdoannghean