GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ cho rằng giáo dục là công cụ cơ bản nhất giúp quốc gia hùng mạnh - Ảnh: Thanh Nguyên
Nhiều vấn đề được mổ xẻ trong Hội thảo Phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, trong đó có một nghịch lý được đưa ra là sinh viên ra trường không tìm được việc, còn doanh nghiệp thì không tuyển được lao động.
Sáng 30.7, tại Trường đại học Nam Cần Thơ diễn ra Hội thảo Phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường đại học do Trường đại học Nam Cần Thơ phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ cho rằng, giáo dục là công cụ cơ bản nhất giúp các quốc gia giàu có, hùng mạnh. Đối với giáo dục Việt Nam, ông Xuân cho rằng, cách giáo dục - đào tạo phần lớn chỉ dừng lại tại mức hiểu.
“Học sinh và sinh viên được dạy để thi có điểm cao trong hệ phổ thông, chứ không biết ứng dụng kiến thức vào đâu. Còn trong hệ dạy nghề và đại học, thì có hơn trung học một ít bằng những giờ hoặc giai đoạn thực tập chưa đạt quy chuẩn cao”, ông Xuân cho biết. Trong khi đó, theo ông, các nhà tuyển và sử dụng nhân lực lại có nhu cầu về những người được đào tạo đến bậc thang cuối, tức đạt mức “sáng tạo”.
Nhìn thấy những tồn tại đó, Trường đại học Nam Cần Thơ đã có sáng kiến tổ chức 4 doanh nghiệp đang hoạt động ngay trong nhà trường để khắc phục, với hy vọng sẽ tiên phong trong phong trào thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nam Cần Thơ cho biết, Nam Cần Thơ được coi là trường tiên phong thực hiện mô hình phát triển doanh nghiệp trong trường đại học. Trường đang tiến hành tổng kết giai đoạn đầu phát triển mô hình các doanh nghiệp trong trường đại học để rút ra kinh nghiệm thành công và chưa thành công, từ đó sẽ đưa ra những chiến lược mới cho sự phát triển doanh nghiệp trong trường đại học.
“Do thời gian phát triển ngắn, số trường thành công chưa phổ biến, nên việc xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học vẫn luôn là mới đối với Việt Nam cả lý luận và thực tiễn, nhất là sự bền vững của mô hình này. Để mô hình được kiện toàn và phát triển tối ưu hơn cần những cơ sở pháp lý về phát triển, định vị được các mặt tích cực và thách thức sau qua trình triển khai. Đồng thời làm sao phải nhân rộng mô hình này hơn nữa trong các trường đại học ở Việt Nam một cách bền vững”, ông Dũng nhận định.
Từ thực tế, Ths Nguyễn Du Hạ Long, đại diện Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC cho rằng có một nghịch lý là sinh viên ra trường không có việc, còn doanh nghiệp thì không tuyển được lao động sau đào tạo. Theo ông Long, nguyên nhân là việc đào tạo trong nhà trường chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên sau khi tốt nghiệp thiếu nhiều kỹ năng mềm.
Đặc biệt đối với nhóm ngành du lịch, theo ông Long, hầu hết các địa phương phát triển mạnh du lịch trong cả nước đều báo cáo thiếu nhân sự, dù số sinh viên theo học ngành này luôn ở mức tương đối cao so với các ngành khác trong xã hội.
“Phương pháp, giáo trình, tài liệu, cách kết nối của các trường phải thay đổi, trở thành nơi người học thu nhận, rèn luyện bổ sung kiến thức và cá nhân người học tự quyết định và cảm nhận, đặc biệt nâng cao các chương trình đào tạo về kỹ năng cho sinh viên- vốn là điều mà ngành du lịch Việt Nam đang rất cần”, ông Long cho biết.
Nhìn toàn diện, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đánh giá, việc đào tạo được nhân sự tay nghề cao sẽ là cơ sở tốt nhất để phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại ĐBSCL.
Mô hình doanh nghiệp trong nhà trường được nhìn nhận như một sự cần thiết để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên hiện nay cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tham gia vẫn đang thiếu nên việc hoàn thiện vẫn chưa thể phát triển tối ưu.
Ngoài ra, công nghệ thay đổi ngày một nhanh chóng cũng có thể gây sức ép lớn cho nhà trường và doanh nghiệp trong việc đáp ứng cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Do đó, với góc độ kết nối doanh nghiệp, VCCI cũng sẽ nỗ lực tìm giải pháp, tư vấn để có cơ chế hoạt động thuận lợi và phù hợp.
Thanh Nguyên – Kim Khanh