DNC – Sáng ngày 09/04/2025, tại Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC), Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Kinh tế đã tổ chức buổi nghiệm thu bản thảo Giáo trình Kinh tế Vĩ mô do nhóm tác giả TS. Nguyễn Hồng Gấm (Chủ biên), ThS. Trần Trung Chuyển và ThS. Nguyễn Trần Trọng Vinh biên soạn. Buổi nghiệm thu diễn ra trong không khí khoa học, nghiêm túc với nhiều ý kiến đóng góp xây dựng.
Chủ tịch: PGS.TS. Nguyễn Tri Khiêm
Trường Đại học Nam Cần Thơ
Phản biện 1: TS. Nguyễn Tiến Dũng
Học viện Chính trị Khu vực IV
Phản biện 2: TS. Nguyễn Thị Thu An
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ
Thành viên: TS. Nguyễn Văn Tạc
Trường Đại học Nam Cần Thơ
Thư ký: ThS. Lê Thị Thanh Thúy
Trường Đại học Nam Cần Thơ
Hội đồng thẩm định nghiệm thu giáo trình
Đại diện nhóm tác giả, ThS. Nguyễn Trần Trọng Vinh đã trình bày những nội dung cốt lõi, mục tiêu và cấu trúc của giáo trình. Giáo trình "Kinh tế Vĩ mô" được biên soạn nhằm cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về các vấn đề kinh tế ở tầm vĩ mô cho sinh viên khối ngành kinh tế. Nội dung bao gồm 9 chương, đi từ tổng quan, đo lường sản lượng, xác định sản lượng cân bằng, chính sách tài khóa, tiền tệ, các mô hình IS-LM, AS-AD, đến lạm phát, thất nghiệp và kinh tế mở.
Đại diện nhóm biên soạn báo cáo sơ bộ về nội dung giáo trình
Hội đồng đánh giá cao sự đầu tư nghiêm túc và tâm huyết của nhóm tác giả. Bản thảo giáo trình có bố cục logic, nội dung phong phú, bám sát chuẩn đầu ra của học phần, và cập nhật các lý thuyết kinh tế vĩ mô hiện đại. Hệ thống kiến thức được trình bày tương đối rõ ràng, mạch lạc.
Bên cạnh những ưu điểm, Hội đồng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tính thực tiễn và cập nhật cho giáo trình. Các thành viên Hội đồng cho rằng, để sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có khả năng phân tích, vận dụng vào bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đầy biến động, giáo trình cần được bổ sung nhiều hơn nữa các nghiên cứu tình huống (case study) và ví dụ thực tế mang tính thời sự. Cụ thể, các góp ý tập trung vào việc lồng ghép các phân tích về chính sách tài khóa, tiền tệ gần đây của Việt Nam, đưa vào các ví dụ minh họa về tác động của các sự kiện kinh tế toàn cầu (như căng thẳng thương mại, biến động giá năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng...) đến kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cần phân tích các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô mới nhất của Việt Nam để làm rõ hơn các khái niệm như GDP, lạm phát, thất nghiệp, cũng như bổ sung các case study về các cuộc khủng hoảng kinh tế, các giai đoạn lạm phát hoặc giảm phát điển hình trên thế giới và bài học kinh nghiệm rút ra.
Hội đồng nghiệm thu đóng góp ý kiến về nội dung giáo trình
Hội đồng đã thống nhất thông qua bản thảo với điều kiện nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp, đặc biệt là việc bổ sung các case study và ví dụ thực tiễn, cập nhật số liệu và tài liệu tham khảo để hoàn thiện giáo trình trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Giáo trình "Kinh tế Vĩ mô" sau khi hoàn thiện hứa hẹn sẽ là tài liệu học tập hữu ích, không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết vững chắc mà còn gắn liền với hơi thở của đời sống kinh tế, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế của Trường Đại học Nam Cần Thơ.