Hiện Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này luôn cần sự hỗ trợ pháp lý rất lớn trong hoạt động điều hành và kinh doanh. Bên cạnh đó, nhu cầu tư vấn và hỗ trợ pháp lý của người dân ngày càng gia tăng mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên ngành Luật. Ngoài ra, nhu cầu các khối cơ quan nhà nước, Hội đồng nhân dân, các Văn phòng đại biểu quốc hội, Ủy ban nhân dân đều cần người học ngành Luật, theo khảo sát tới 80% sinh viên ra trường đáp ứng được các nhu cầu đó.
LUẬT HỌC LÀ GÌ ?
Luật học là một ngành khoa học pháp lý nghiên cứu về pháp luật và thực tiễn pháp lý ở Việt Nam và pháp luật quốc tế. Dưới góc độ một chuyên ngành đào tạo, ngành Luật học trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp luật như Luật Hiến pháp, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật Thương mại, Luật đất đai, Luật lao động, Luật quốc tế và thực tiễn pháp lý Việt Nam; đồng thời bổ sung những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Sản phẩm của chương trình đào tạo là các cử nhân luật có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn vững vàng, có khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết được các công việc có liên quan đến chuyên ngành đào tạo.
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Về kiến thức
Sinh viên ngành Luật sau khi tốt nghiệp đạt được các kiến thức sau đây:
- Kiến thức chung của khối ngành: kiến thức của một số ngành khoa học làm cơ sở nền tảng cho việc nghiên cứu pháp luật như: những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Xã hội học, Cơ sở văn hóa, Tâm lý học, Logic học;
- Kiến thức cơ sở ngành, ngành: kiến thức lý luận và thực tiễn về nhà nước và pháp luật nói chung; kiến thức về pháp luật và thực tiễn pháp lý Việt Nam trong các lĩnh vực như: Luật dân sự và tố tụng dân sự; Luật hình sự và tố tụng hình sự; Luật thương mại; Luật hành chính và tố tụng hành chính; Luật lao động; Luật đất đai; Luật hôn nhân và gia đình, Luật tài chính, Luật ngân hàng và các lĩnh vực pháp luật khác đủ để sinh viên có khả năng áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong đời sống xã hội; kiến thức về pháp luật quốc tế như luật Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Thương mại quốc tế.
Về kỹ năng
Sinh viên ngành Luật sau khi tốt nghiệp đạt được những kỹ năng chuyên môn và những kỹ năng mềm sau đây:
- Kỹ năng chuyên môn: kỹ năng nhận biết, đánh giá các vấn đề pháp lý, lựa chọn và áp dụng đúng các quy định pháp luật để giải quyết các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn; kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực; kỹ năng soạn thảo các văn bản có tính pháp lý trong mọi lĩnh vực có liên quan đến công việc phụ trách; kỹ năng soạn thảo hợp đồng; kỹ năng cập nhật, phân tích, đánh giá các văn bản pháp luật.
- Kỹ năng mềm: kỹ năng trình bày, lập luận và tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình; kỹ năng làm việc nhóm; có năng lực tư duy sáng tạo; có khả năng thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp.
- Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin ở mức độ cơ bản; có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ đạt ở bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam.
Về thái độ
Sinh viên tốt nghiệp ngành Luật đạt được những yêu cầu về phẩm chất đạo đức sau đây:
- Trung thành với tổ quốc; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Trung thực, thẳng thắn, liêm khiết, có tinh thần cầu thị; chăm chỉ, nhiệt tình, sáng tạo; có bản lĩnh khoa học; dám bày tỏ quan điểm của mình; chủ động, tự tin trong công việc và trong cuộc sống.
- Có tinh thần bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý; có tinh thần phục vụ xã hội; có ý thức về trách nhiệm công dân, có đạo đức nghề nghiệp.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Sinh viên ngành Luật sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các công việc ở các cơ quan, tổ chức sau đây:
- Làm việc trong hầu hết các cơ quan nhà nước bao gồm: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Thi hành án, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, Phòng, Ban; Thanh tra, Công an, Kiểm lâm, Thuế, Hải quan, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và các cơ quan nhà nước khác.
- Làm việc tại các văn phòng luật, công ty luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại, Trung tâm trọng tài; làm việc trong các tổ chức kinh tế ở các vị trí chuyên viên tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực về thương mại, đầu tư; xuất nhập khẩu, lao động; tham gia đàm phán, soạn thảo, ký kết các hợp đồng cho doanh nghiệp; tham gia giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại cho doanh nghiệp; làm chuyên viên hành chính - nhân sự cho các doanh nghiệp.
- Làm việc trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã - hội nghề nghiệp như: tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động, Hội luật gia, Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
- Tham gia giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành luật, môn pháp luật đại cương và một số môn học khác (như môn giáo dục công dân) cho các cơ sở giáo dục; tham gia nghiên cứu pháp luật trong các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu.
- Học lên các bậc học sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia các lớp đào tạo nghề luật như thẩm phán, công chứng, luật sư, thừa phát lại…
BẰNG CẤP VÀ THỜI GIAN ĐÀO TẠO
- Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Luật học tại DNC sẽ nhận được bằng Cử nhân Luật.
- Thời gian đào tạo: 4 năm (tương đương 8 học kỳ).
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NAM CẦN THƠ
Số 168, Nguyễn Văn Cừ nối dài, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
(0292) 3 798 168 – 3 798 222 0939 257 838