Quản lý công nghiệp là một ngành có từ lâu trên thế giới, tại Việt Nam, đây đang là một ngành thu hút nhiều sinh viên theo học. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc ở tất cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các sở, bộ, ban, ngành quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan đến lĩnh vực Quản lý Công nghiệp, có cơ hội giữ các chức vụ quản lý tại các doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn đa quốc gia…
QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?
Quản lý công nghiệp (tên tiếng Anh là Industrial Engineering and Management – IEM) là ngành giao thoa giữa kinh tế và công nghệ. Ngành này thường được áp dụng trong các công ty, doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, các ngành dịch vụ. Công việc chủ yếu của người làm trong ngành quản lý công nghiệp là giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, doanh thu cho công ty, doanh nghiệp, lập các kế hoạch kinh doanh, tiếp thị. Đồng thời cũng là người lập các dự án và cũng là người phân tích các dự án đó, nghiên cứu về thị trường,..
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn để đảm nhận được những vị trí như: quản lý ở các bộ phận kế hoạch, điều độ sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý dự án… làm việc trong các đơn vị sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp - khu chế xuất hoặc có thể học tiếp cao học quản trị kinh doanh…
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Cử nhân ngành Quản lý Công nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc trong những tổ chức sản xuất, thương mại, dịch vụ với nhiều quy mô khác nhau (nhỏ, vừa hoặc lớn) cũng như đa dạng trong hình thái hoạt động (nội địa hoặc xuyên quốc gia) với một số vị trí công tác sau khi tốt nghiệp có thể bao gồm:
- Quản lý nhà máy: đề ra, hoạch định kế hoạch sản xuất, quản lý thu mua hàng hóa và tồn kho, công tác quản lý nhân viên.
- Quản lý mua hàng: đánh giá các hoạt động thu mua hàng hóa, thiết lập các cấp độ hoạt động cũng như phối hợp các công tác trong việc vận hành, định hướng các điểm chủ chốt trong công tác vận hành.
- Quản lý về mặt chất lượng: phân tích chi tiết những cơ sở dữ liệu và các bảng tính, kiểm định các hoạt động để xác định các vị trí cần cải tiến, quản lý công tác thực hiện những thay đổi.
- Lập kế hoạch và quản lý hệ thống chuỗi cung ứng: thương lượng ký kết các hợp đồng, thiết lập các mối quan hệ hợp tác lâu dài với những nhà cung cấp, duy trì sự đúng đắn và xác thực của hệ thống mua hàng, hóa đơn và hàng hoá được trả lại.
- Tư vấn cải thiện các quá trình: thiết kế và triển khai những kế hoạch sản xuất và tinh giản thời gian sản xuất trong cả hoạt động sản xuất và dịch vụ.
- Quản lý tài chính kế toán: theo dõi và quản lý những công tác chuyên về tài chính kế toán của một công ty, doanh nghiệp, phân tích chứng khoán, phân tích, xử lý các số liệu liên quan đến chứng khoán,…
- Quản lý nhân sự: đề ra kế hoạch về nhân sự, khảo sát nhu cầu đào tạo và lên kế hoạch đào tạo nhân lực, định biên, đề ra kế hoạch lương và thưởng, kế hoạch động viên cũng như các mối quan hệ lao động.
- Quản lý kinh doanh: nghiên cứu thị trường kinh doanh, đề ra những chiến lược, kế hoạch kinh doanh, khai thác quy luật và các phương thức kinh doanh theo từng hoàn cảnh cụ thể.
- Thời gian đào tạo: 4 năm (tương đương 8 học kỳ).
- Chi tiết liên hệ: Trường Đại học Nam Cần Thơ, số 168, Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An bình, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
- Điện thoại: 0292 3798 168 – 0939 257 838