Khai giảng Chương trình tập huấn " Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên Trường Đại học Nam Cần Thơ
Nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong hoạt động phát triển năng lực nghề nghiệp cho giảng viên, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, đổi mới đào tạo, cũng như các yêu cầu về kiểm định chất lượng, theo thỏa thuận hợp tác giữa Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN và Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, đơn vị chuyên trách về hỗ trợ đổi mới phương pháp và công nghệ dạy học thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN xây dựng Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên Trường Đại học Nam Cần Thơ”.
Lễ khai giảng diễn ra vào sáng ngày 04/10/2023 theo hình thức trực tuyến. Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN, đại điện lãnh đạo Trường Đại học Nam Cần Thơ, các giảng viên phụ trách Chương trình tập huấn của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy và gần 60 học viên là giảng viên của Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ Khai giảng, TS. Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ đánh giá cao hợp tác của 2 đơn vị trong hoạt động hỗ trợ triển khai đào tạo trực tuyến tại nhà trường, bao gồm việc phát triển nền tảng phục vụ hoạt động đào tạo trực tuyến, tập huấn phát triển năng lực giảng dạy của giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số. TS. Trần Thị Thùy, Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phát triển năng lực nghề nghiệp của giảng viên và bày tỏ mong muốn Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục sẽ tích cực đồng hành cùng các thầy cô học viên trong quá trình tham gia tập huấn để đảm bảo chất lượng học tập tốt nhất, đặc biệt là trong môi trường trực tuyến.
Khai giảng trực tuyến Chương trình tập huấn “Phương pháp giảng dạy mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên Trường Đại học Nam Cần Thơ”
Tiếp đó, TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN phát biểu chào mừng lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trường Đại học Nam Cần Thơ tham gia Chương trình tập huấn. Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục cho biết, chương trình tập huấn này do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN thiết kế và phát triển với tư vấn chuyên môn và sự tham gia trực tiếp các chuyên gia về khoa học giáo dục, các giảng viên giàu kinh nghiệm về lí luận, phương pháp, công nghệ dạy học và đào tạo trực tuyến tại nhiều đơn vị đào tạo thành viên của ĐHQGHN. Chương trình nhằm cung cấp cho giảng viên, nghiên cứu viên đang tham gia công tác giảng dạy dạy tại các cơ sở giáo dục đại học kiến thức và kỹ năng mới về phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp giảng viên nâng cao năng lực giảng dạy và sẵn sàng cho các hoạt động đổi mới giảng dạy trong bối cảnh chuyển đổi số.
TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN giới thiệu tổng quan về khung Chương trình tập huấn và hướng dẫn học viên tham gia học tập trên hệ thống VNU LMS
Chương trình tập huấn gồm 7 mô-đun với các nội dung chính sau:
(M1). Phương pháp dạy học trực tuyến
(M2). Thiết kế khảo sát và công cụ khảo sát trực tuyến trong giảng dạy và nghiên cứu
(M3). Xây dựng video bài giảng và học liệu điện tử.
(M4). Tổ chức các hoạt động dạy học tương tác bằng công cụ trực tuyến.
(M5). Thiết kế các hoạt động kiểm tra đánh giá theo tiếp cận phát triển năng lực người học.
(M6). Thiết kế học phần theo tiếp cận giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra (Outcome-Based Education)
(M7). Thiết kế học phần theo tiếp cận dạy học trực tuyến/ kết hợp.
Nội dung của 7 mô-đun được tổ chức trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến của ĐHQGHN (VNU LMS) tại địa chỉ lms.vnu.edu.vn. Các mô-đun được mở trên hệ thống VNU LMS theo từng tuần, học viên chủ yếu tham gia học tập theo hình thức trực tuyến không đồng thời. Mô-đun M7 là bài tập dự án cuối Chương trình và được khuyến khích nghiên cứu, thực hiện đồng thời với các mô-đun khác. Các hoạt động học tập trực tuyến chủ yếu bao gồm: nghiên cứu tài liệu, bài giảng, trao đổi thảo luận, hoàn thành các bài tập, trắc nghiệm… theo hướng dẫn học tập trong từng mô-đun. Thời lượng để hoàn thành các nhiệm vụ của 7 mô-đun là 10 tuần.
Đánh giá của học viên về sự cải thiện kỹ năng giảng dạy sau khi hoàn thành Chương trình
Từ tháng 8/2021 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc ĐHQGHN, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục đã và đang triển khai 9 đợt tập huấn cho hơn 1000 lượt giảng viên, giáo viên tại các cơ sở đào tạo của ĐHQGHN. Từ tháng 10/2022 đến nay, Chương trình được triển khai mở rộng cho đối tượng giảng viên, nghiên cứu viên đang tham gia giảng dạy tại các cở sở giáo dục đại học trong cả nước. Giảng viên từ nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tham gia Chương trình này: Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Kinh tế- Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội… Đến nay, Chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học viên về ở các phương diện chất lượng nội dung, hình thức tập huấn, chất lượng các hoạt động hỗ trợ người học… Đặc biệt, học viên đánh giá tốt sự cải thiện về kỹ năng giảng dạy, sự cải thiện về kỹ năng sử dụng các công cụ phục vụ dạy học hiện đại sau khi hoàn thành Chương trình.
Chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng và chính phủ, đặc biệt là chương trình chuyển đổi số quốc gia được ban hành năm 2020. Gần đây, các quy định về áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến trong giáo dục chính quy và sau đại học đã bước đầu cung cấp cơ sở pháp lý cho các trường đại học áp dụng phương thức đào tạo hiện đại.